Việc sử dụng phân bón giả, kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng cây trồng, gây thiệt hại cho người nông dân.
Phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường, nhất là ở khu vực ĐBSCL đã khiến nông dân vô cùng hoang mang. Bởi chi phí sản xuất ngày một tăng nhưng khi lại vướng phải phân bón giả lại gây thêm tác hại đối với các loại cây trồng. Vụ lúa đông xuân 2016 - 2017 bắt đầu diễn ra, nỗi lo này lại nhân lên gấp bội.
Cứ chuẩn bị cho vụ mùa mới, anh Trần Văn Tây ở xã Mỹ Trà Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp lại luôn canh cánh nỗi lo. Ngoài chuyện chuẩn bị tiền bạc, công sức để làm vệ sinh đồng ruộng, mua vật tư nông nghiệp thì anh và nhiều người dân lại lo phải mua nhầm phân bón giả.
Phân bón giả, kém chất lượng luôn là mối lo của nông dân cũng như với cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính. (Ảnh minh họa: KT)
Đã từng trải qua việc mua phải phân giả, anh Tây cho biết, nếu chỉ bằng mắt thường thì không thể nào phân biệt được đâu là phân bón giả, phân kém chất lượng. Chỉ đến thời điểm thu hoạch lúa thấy năng suất thấp, chất lượng lúa kém…người nông dân mới nghĩ mình đã sử dụng phải phân bón giả.
“Bên kĩ thuật nói cần phải bón phân thì người dân mua phân về sạ, nhưng khi sạ rồi thấy lúa vẫn không phát triển khiến người dân hoang mang. Trong khi trồng lúa không mang lại nhiều lợi nhuận, đã thế lại còn phải chịu tiền lãi khi mua phân bón kém chất lượng thì quả là cơ cực”, anh Tân buồn rầu cho biết.
Mới đây nhất, đêm 21-9, lực lượng chức năng TP Bảo Lộc đã mật phục và bắt quả tang hơn 10 tấn phân hóa học đơn có nguồn gốc từ Trung Quốc để pha chế và đấu trộn thành phân hỗn hợp NPK gắn nhãn hiệu của Công ty TNHH Phân bón Bình Đông có trụ sở tại tỉnh Bình Dương. Cơ sở sản xuất phân bón giả này do bà Lê Thị Kim Mây (65 tuổi) làm chủ; địa chỉ tại 684 Quốc lộ 20, thôn Ánh Mai 1, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc.
Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng liên tục bắt giữ số lượng lớn phân bón giả từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trái phép. Trong ảnh: Cơ sở sản xuất phân bón trái phép của bà Kim Mây ở TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng
Ông Nguyễn Minh Toại, giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ khẳng định, phân bón giả, kém chất lượng luôn là mối lo của nông dân cũng như với cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trên thực tế, nhiều đại lý vì cái lợi trước mắt đã mua sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng với giá thấp, sau đó bán với giá cao để kiếm lợi, bất chấp thiệt hại, hậu quả mà người nông dân phải trực tiếp gánh chịu.
“Đối với phân NPK trộn trên thị trường thì đa số bị làm thiếu chất lượng bằng cách mua NPK nhập rồi về pha thêm tạp chất. Ở Bình Dương có loại đất sét vò viên tròn nhỏ tẩm màu chứa trong bao được bán cho các đại lý phân bón. Các đại lý hám lợi chỉ mua vào với số tiền khoảng 800 - 1.000 đồng/kg để trộn với phân NPK sau đó bán cho nông dân. Hình thức bán này rất khó cho ngành chức năng khi đi kiểm tra”, ông Toại chỉ rõ.
Số liệu từ Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương cho thấy, đến tháng 8 vừa qua, ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra và lấy khoảng gần 800 mẫu phân bón các loại. Qua xét nghiệm cho thấy 2/3 số mẫu đạt yêu cầu, còn lại đều có vấn đề như kém chất lượng, hàng giả…
Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, đa số các mẫu không đạt rơi vào các công ty nhỏ, cơ sở sản xuất phân bón chưa có tên tuổi, thương hiệu. Cùng với đó, Cục Quản lý Thị trường phối hợp các ngành kiểm tra 1.800 cơ sở kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp, phát hiện 421 vụ vi phạm, xử phạt khoảng8 tỷ đồng. Điều đáng lo ngại là thủ đoạn sản xuất phân bón giả ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
“Qua số liệu có thể thấy tình trạng vi phạm có cải thiện nhưng không đáng kể. Tình hình phân bón giả diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Lực lượng chức năng đã ra quân rất nhiều lần, thực hiện rất nhiều chỉ đạo của Chính phủ, của bộ Công Thương nhưng tình hình chuyển biến quá chậm. Vì lợi nhuận nên các đối tượng làm ăn phi pháp không từ bất cứ phương thức thủ đoạn nào”, ông Lam nêu rõ.
Vấn đề đặt ra cho thấy, việc sử dụng phân bón giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng cây trồng, gây thiệt hại cho người nông dân mà còn gây ô nhiễm môi trường; ảnh hưởng lớn đến đất đai, nguồn nước bởi các chất độc hại, kim loại nặng có chứa trong phân bón. Từ đó dẫn đến sức khỏe người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng do các chất độc hại còn tồn dư. Do vậy, người dân nên lựa chọn những loại phân bón có thương hiệu lớn ở trong và ngoài nước để tránh những vụ thu hoạch thiếu năng suất.